Sáng tác Bài_hát_ru_cho_anh

"Cho em một ngày"

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Ai cũng nghĩ tôi sáng tác Cho em một ngày là cho một cô nào đó hay nói hộ ai, nhưng thật sự tôi không viết bài hát này cho ai hết, cũng không nói hộ nỗi lòng của cô nào. “Em” trong ca khúc mang tính biểu tượng, không có giới tính, không cần phải là đàn ông hay phụ nữ. Tôi sáng tác bài hát này để nói đến ý: trong tình yêu không thể sở hữu nhau vì ai cũng còn nhiều mối quan hệ khác trong đời sống, nhưng một khi đã yêu là phải thật. Xin chỉ một ngày cho em, khiêm tốn thôi, không đòi hỏi phải răng long đầu bạc suốt đời, nhưng “một ngày” đó phải là cảm xúc thật của tình yêu”.

"Cho em một ngày" là một ca khúc nổi tiếng được sáng tác vào năm 1986, ca khúc được thể hiện đầu tiên bởi Thanh Lam, thời điểm nhạc sĩ Dương Thụ sống trong ngôi nhà nhỏ ở khu ngã ba Ông Tạ - đường Cách mạng Tháng Tám, TP.HCM. Nhạc sĩ kể, thời đó và cả trước đó nữa, ông sáng tác nhiều ca khúc nhưng cũng… buồn vì ít có ca sĩ hát cũng như khán giả chưa thấy thích những sáng tác của ông, mà chỉ toàn thích nghe nhạc Phú Quang. Là bạn thân với nhạc sĩ Phú Quang, nên cả hai có làm album chung Em đi qua tôi năm 1990, rồi đêm nhạc Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam năm 1994, thế nhưng nhạc của Dương Thụ thời ấy vẫn chưa được nhiều khán giả thích. Dương Thụ chia sẻ: “Lúc đó tôi thấy nản lòng vì rất tha thiết với âm nhạc Việt Nam, nhưng khán giả chưa thích và bản thân lại đang bệnh, cũng như buồn vì con gái mất do bệnh nặng, nên tôi đã quyết định mua mảnh đất ở Bắc Ninh, chuyển về sống hẳn ở đấy đến cuối đời cùng với vợ mới cưới (nhà báo Thủy Phạm), xem như quy ẩn không làm gì liên quan đến âm nhạc nữa. Thế rồi, chính Hồng Nhung là người đã khiến tôi có sự trở lại bằng cú gọi điện thoại cho hay ca khúc Cho em một ngày mà cô ấy hát đang rất được khán giả yêu thích ở Sài Gòn”.

"Cho em một ngày" đánh dấu sự gặp gỡ của Hồng Nhung và Vĩnh Tâm. Tôi nhớ đó là chương trình Tình ca 19 tại nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Khi tôi chọn "Cho em một ngày", nhiều người trong ban tổ chức chương trình nghi ngờ sự thành công của nó chính vì kết cấu đơn giản của bài hát. Chúng tôi cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hà đã dàn dựng bài hát theo đúng sự phát triển tình cảm của một cô gái mới yêu.

"Cho em một ngày" làm tất cả đều bất ngờ, kể cả với Hồng Nhung. Lần đầu tiên công diễn đã nhận được nhiều loạt vỗ tay tán thưởng, cùng với sự đồng cảm uyển chuyển, lúc nâng lên, lúc hạ xuống của cả nghệ sĩ và khán giả"[3] Hồng Nhung chia sẻ.

“Tôi hàm ơn Hồng Nhung đến bây giờ vì lẽ đã làm cho tôi cảm thấy ấm lòng trong thời điểm tôi lạc lõng với âm nhạc. Vì thế ca khúc Cho em một ngày cũng là một ca khúc có kỷ niệm đặc biệt đối với riêng tôi, vì chính nó đã khiến tôi trở lại Sài Gòn sống từ năm 1997 đến nay, với những hoạt động âm nhạc liền mạch: album Nghe mưa 1, 2, show xuyên Việt Nghe mưa cùng Bảo Chấn…” Nhạc sĩ Dương Thụ.

"Tôi rất ưng ý với album riêng chỉ hát toàn nhạc Dương Thụ của Hồng Nhung phát hành năm 1998... rõ ràng Hồng Nhung là người quyết liệt chọn lựa những sáng tác của tôi để hát nhiều nhất, ra nhiều album Dương Thụ và để lại dấu ấn với khán giả nhiều nhất khi hát những ca khúc của tôi”.

~ Dương Thụ

"Vẫn hát lời tình yêu"

"Vẫn hát lời tình yêu" được sáng tác năm 1993, ca khúc được viết riêng cho Mỹ Linh và được cô thể hiện đầu tiên. Nhạc sĩ Dương Thụ đã tưởng tượng ra một câu chuyện dành cho Mỹ Linh với ca từ nữ tính mà ai cũng nghĩ sao nhạc sĩ có thể “hóa thân” được: "Đừng xa vội xa em, vội sớm câu vĩnh biệt. Giận chi giận chi em… Đã biết em để mất anh rồi. Tiếng chim ngừng hát bên trời. Đã biết yêu là vẫn thế rồi. Trái tim còn mãi hát lời tình yêu". Lúc ấy, Hồng Nhung nghe Mỹ Linh hát, thấy thích ca khúc này quá nên nói đùa với nhạc sĩ bài này Linh hát chưa hợp đâu, phải để cháu hát. Sau này, Hồng Nhung hát lại ca khúc và tên tuổi của cô gắn liền với "Vẫn hát lời tình yêu".[1]

"Tháng tư về"

"Tháng tư về" là ca khúc viết về câu chuyện tình yêu của đôi tình nhân đi dạo chơi trên một khoảng không gian bến sông vắng với đầy đủ lối nhỏ, vườn cây... vào thời điểm xuân vừa đi, hạ đang tới ngoài xa nơi chân trời mây trắng. Nét nhạc thanh thoát, bay bổng mà nhẹ nhàng, lời ca chính là bức tranh thiên nhiên trong sáng, nhiều sắc màu nhưng rất trữ tình, đầy lạc quan của người đang yêu. "Em mơ mơ về con đường nhỏ, quanh co lối mòn hoa dại nở, chỉ mình em bên anh bên anh, nghe bâng khuâng mấy nhành hoa lựu đỏ". Nhạc sĩ chia sẻ rằng ông sáng tác theo suy tưởng chứ không lấy một hình ảnh cụ thể của hiện thực. Như bài hát "Họa mi hót trong mưa", ông phát triển từ một làn điệu dân ca Thái, chứ không có hình ảnh nào ngoài đời như thế. Với bài hát "Tháng tư về" cũng vậy. Dương Thụ cho biết, chính lúc ngồi trong một góc vườn vắng ở phương Nam, mà cụ thể đây là ngôi nhà của ông ở TP. Hồ Chí Minh, ông đã nảy ra ý tưởng về tháng Tư phương Bắc quê hương (ông quê Vân Đình, Hà Tây cũ): "Mây xa vời, nắng xa vời, con sông xa lững lờ trôi. Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng, hát giấc mơ xa lắm". Hồng Nhung là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này và là người thể hiện hay nhất.[4]

Ca khúc đã được chọn làm bài hát chính thức của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến từ mùa 2009.[5]

“Tôi may mắn được bắt đầu sự nghiệp bằng âm nhạc của chú Thụ, rất hợp với lối hát và lối thể hiện cảm xúc của mình. Điều hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được khán giả yêu mến mình với tính cách âm nhạc riêng của mình. Và nhạc Dương Thụ vẫn luôn là một gia tài trong con đường âm nhạc gắn liền với cái tên Hồng Nhung.”

~ Hồng Nhung

"Lắng nghe mùa xuân về"

"Lắng nghe mùa xuân về" là một trong những ca khúc được nghe nhiều nhất vào thời khắc giao thừa. Người đầu tiên thể hiện ca khúc này là nữ ca sĩ Trang Kim Yến, khi đó nhạc sĩ Dương Thụ đang làm chỉ đạo nghệ thuật cho sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp ở quận 10. Ca khúc này khi mới được Trang Kim Yến tập dượt đã khiến nhiều người bất ngờ về phần giai điệu khá lạ tai và khác hẳn với phong cách nhạc Xuân quen thuộc trước đó. Bởi lẽ theo lời nhạc sĩ Dương Thụ, anh không sáng tác nhạc Xuân mà là lời tự sự của mình vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới. Tuy nhiên, mãi đến khi “Lắng nghe mùa xuân về” được Hồng Nhung thể hiện, ca khúc này mới trở nên phổ biến hơn. Giọng hát kỹ thuật nhưng vẫn đầy cảm xúc của Hồng Nhung như thổi hồn vào trong ca khúc này khiến “Lắng nghe mùa xuân về” trở nên gắn liền với tên tuổi của nữ ca sĩ. Bản song ca của Hồng Nhung và Bằng Kiều ca khúc này rất được yêu thích. Trong Liveshow Bằng Kiều 2012 Concert đã được tổ chức, cả hai vẫn khiến khán giả xúc động khi hát lại ca khúc này.[6] Nhạc sĩ từng chia sẻ “Lắng nghe mùa xuân về” được viết ra từ những cảm xúc bất chợt khi nhớ về thủ đô giữa ngày xuân Sài Gòn.[7]

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Bài này của cha Dương Thụ vẫn là bài về mùa Xuân mà tôi thích nhất”.[8]

"Tiếng sóng" và "Hơi thở mùa xuân"

Ngoài ra, Lệ Quyên là người đầu tiên thể hiện ca khúc "Tiếng sóng" và "Hơi thở mùa xuân".[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bài_hát_ru_cho_anh http://baicadicungnamthang.net http://baicadicungnamthang.net/tu-lieu/nhac-si-duo... http://giaitri.vnexpress.net/sao/hong-nhung-9/tieu... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nha... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nha... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phong-van-tru... http://www.24h.com.vn/ca-nhac-mtv/nhung-ca-khuc-mu... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giai-tri/674879/sao... http://phunuonline.com.vn/giai-tri/hoi-sinh--hoa-b... http://www.hoinhacsi.vn/thang-tu-ve-voi-nhac-si-du...